Ngữ văn Lớp 9: Nêu cảm nhận của em về người lính trong kháng chiến chống Mĩ, giúp em giải bài này ạ, em cảm ơn thầy cô và các bạn nhiều.
-
Thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mĩ qua hình ảnh người lính trong bài thơ là những con người hiên ngang dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm, luôn tiến lên phía trước vì mục đích và lý tưởng cao đẹp. Đồng thời những người chiến sĩ ấy còn là những con người trẻ trung tinh nghịch, hóm hỉnh, yêu đời, dù đứng trước nhiều hiểm nguy, khó khăn. Họ đã để lại cho chúng ta ấn tượng đẹp về anh bộ đội cụ Hồ. So sánh với hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí, ta thấy họ đều toát lên vẻ đẹp của những người lính. Khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng ra trận chiến đấu. Ở họ là lòng dũng cảm, gạn dạ, tình yêu quê hương, đất nước, tình đồng chí đồng đội gắn bó. Điểm khác nhau là trong bài thơ Tiểu đội xe không kính, ta thấy được sự vui tươi, hóm hỉnh, sôi nổi của những người lính trẻ. Một tinh thần lạc quan cách mạng của người lính thời đại kháng chiến chống Mĩ.
-
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ hào hùng của dân tộc, hình ảnh người lính hiện lên qua thơ văn luôn mang nhiều vẻ đẹp. Trong số những bài thơ nói về họ thì Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính là hai bài thơ rất đặc sắc.Hiện lên ở từng bài thơ, đều là hình ảnh người lính như trong hai cuộc kháng chiến khác nhau chống Pháp và chống Mĩ. Đó là những người lính đầy nhiệt huyết, dũng cảm, luôn mang lí tưởng và lòng yêu nước bên mình. Với Đồng chí thì họ hiện lên qua tình cảm gắn bó giữa những người đồng đội với nhau. Từ những vùng quê khác nhau, họ gặp nhau trong quân ngũ vì mong muốn đất nước được tự do, độc lập, cuộc sống yên bình hạnh phúc. Họ cùng nhau trải qua những khó khăn như áo rách, quần vá, sốt run người để chiến đấu. Họ san sẻ với nhau vất vả và niềm vui. Đêm giữa rừng hoang sương muối, họ vẫn đứng bên nhau chờ giặc. Mảnh trăng treo nơi đầu súng là minh chứng cho tình đồng đội của họ, cũng là ước mơ, hi vọng hoà bình, đất nước độc lập của họ. Người lính trong Đồng chí là những người lính luôn kề vai, sát cánh bên nhau. Tình đồng chí của họ thật cao đẹp biết chừng nào. Còn ở bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính, người lính hiện lên thật trẻ trung, lạc quan, yêu đời, và cũng đầy lòng dũng cảm. Khi này, ý thức giác ngộ cách mạng của họ đã sâu sắc hơn, lí tưởng cao đẹp của họ đã rõ ràng hơn. Người lính lái xe, với chiếc xe không kính của mình luôn sống sôi nổi, yêu đời. Từ trong bom rơi, những chiếc xe vẫn thẳng tiến vì miền Nam phía trước. Dù bụi phun tóc trắng như người già hay mưa tuôn mưa xối như ngoài trời họ vẫn không nao lòng. Những chiếc xe không kính ấy luôn đem theo trái tim hướng về miền Nam, hướng về hoà bình, tự do, độc lập của họ. Qua cả hai bài thơ, hình ảnh người lính luôn hiện lên cao đẹp và giàu sức sống.=
-
Hình ảnh người lính trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhà văn, nhà thơ. Với giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra rất gay go, ác liệt nhất bài thơ ” Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật ra đời trong hoàn cảnh đó. Những chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn, thiếu đi những điều kiện, phương tiện vật chất tối thiểu nhưng họ không coi đó là khó khăn mà lại là một cơ hội để người lính lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp. Họ hiện lên với một sức mạnh tinh thần lớn lao của họ, đặc biệt là lòng dũng cảm, tinh thần bất chấp gian khổ khó khăn. Những người lính vẫn hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn của người lính lái xe: dũng cảm, hiên ngang, phớt đời, bất chấp hiểm nguy trước biết bao thử thách. Họ đạp bằng gian khó tiến về phía trước với một quyết tâm: giải phóng miền Nam. Đúng là chiến tranh ác liệt có thể tàn phá những phương tiện kĩ thuật vật chất nhưng không thể đè bẹp được sức mạnh tinh thần của con người. Trái lại, nó chỉ càng làm nổi rõ thêm tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm chiến đấu để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nếu không có ý chí, lòng dũng cảm thì chắc chắn rằng những người chiến sĩ ấy cũng sẽ không thể vượt qua được những khó khăn đó. Nếu trong kháng chiến chống Pháp, Chính Hữu đã viết nên ” Đồng chí” họ hiện lên với tình đồng chí, và vượt lên những khó khăn vật chất ” áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá”. Chúng ta thấy được thời kì nào những người chiến sĩ cũng rất dũng cảm, ý chí, kiên cường và đúng với tinh thần ” xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ trong thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ một thế hệ anh hùng, sống đẹp và giàu lí tưởng. Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì, đi bất cứ đâu mà Tổ quốc cần, trong gian khổ vẫn giữ vững một niềm tin, một niềm lạc quan tin tưởng vào chiến thắng. Đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.